Chùa Dơi, Sóc Trăng được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người Khmer, độc đáo hơn khi nơi đây trở thành nơi trú ẩn của loài dơi.
Chùa Dơi hay còn được gọi là chùa Mã Tộc, chùa Mahatup nằm tại phường 3, TP Sóc Trăng. Ngôi chùa này được gắn với quần thể kiến trúc tiêu biểu về tín ngưỡng của dân tộc Khmer.

Chùa Dơi được công nhận di tích nghệ thuật cấp quốc gia năm 1999. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ hội truyền thống của người Khmer.
Bà Phượng một du khách đến từ TP.HCM cho biết: Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp quay trở lại đây. Hồi trước, ngôi chùa này có kiến trúc đơn giản được làm bằng tre và mái lá. Ngày nay, trải qua các đợt trùng tu, chùa trở nên khang trang và kiên cố hơn.

Chùa Dơi được thiết kế bao gồm chánh điện với kiến trúc đặc trưng của người Khmer.
Bên cạnh đó là khu Sala (hội trường cúng lễ), tăng xá (nơi nghỉ ngơi của các vị sư), các bảo tháp và miếu Bà Đen để du khách đến tham quan vào mỗi dịp lễ tết.
Đặc biệt, ngôi chùa này còn là nơi trú ngụ của loài dơi sinh sống bao gồm dơi quạ, dơi ngựa. Con dơi trưởng thành có cánh dài từ 1 – 1,5 m và trọng lượng 0,5 – 1 kg.
Theo sách cổ của chùa, họ hàng dơi xuất hiện ở đây khoảng 300 năm về trước. Loài dơi sẽ sinh sản vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.


Chùa Dơi nổi tiếng là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Nhưng nơi đây không chỉ có con người đến gửi gắm niềm tin tâm linh, mà còn là mái nhà êm ấm của loài dơi xứ Sóc Trăng và các vùng lân cận

Đến chùa Dơi, ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước hàng cây cổ thụ, quần thể gồm nhiều công trình có màu vàng rực lộng lẫy.
Mái của tòa chánh điện có chiều dài gần 21 m, chiều rộng hơn 11 m, được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1 m, nổi bật với kết cấu gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau.
Mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, cùng nhiều tháp nhỏ và hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo phía đầu hồi chùa.

Bước vào bên trong chính điện, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, đậm chất văn hoá Khmer.
Chánh điện càng trở nên tôn nghiêm, uy nghi thanh thoát khi trần được trang trí những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ. Nó đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa giá trị nghệ thuật kiến trúc với hội họa mang đậm bản sắc văn hóa Khmer nơi đây.

Bước vào phía sau khuôn viên chùa Dơi, không gian được mở ra là cả một cánh rừng với đủ loại cây, song nhiều nhất vẫn là cây Sao và cây Dầu.
