Trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tự nhiên kỳ lạ ở đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) khiến nhiều du khách cảm thấy thích thú.
Núi Bà Đen ở Tây Ninh được mệnh danh là Nóc nhà Nam Bộ, là nơi toạ lạc của tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nổi tiếng. Với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập đến 2 kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Vừa qua trên mạng xã hội, nhiều người truyền tay nhau hình ảnh đám mây vô cùng kỳ lạ, xuất hiện vào sáng ngày 24/11 tại núi Bà Đen. Đám mây có kích cỡ khá lớn tạo thành hình “chiếc nón” lơ lửng trên đỉnh núi tạo nên một khung cảnh khiến nhiều người vô cùng thích thú, trầm trồ.

Trong hình ảnh, đỉnh núi được bao phủ bởi một lớp mây trắng xóa. Không chỉ có vậy, những đám mây còn tạo thành một lớp “vỏ” có phần kỳ bí. Nhiều người nhận xét trông đám mây như một chiếc đĩa bay.

Nhiều ý kiến thắc mắc rằng không biết hình ảnh có phải là kết quả của phần mềm chỉnh sửa hay không bởi độ “ảo diệu” của hình dạng mây trong bức hình.

Sau khi những hình ảnh về hiện tượng mây kỳ lạ được đăng tải và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều du khách tỏ ra thích thú và tò mò về địa danh núi Bà Đen, Tây Ninh.

Trước đó, vào năm 2021, một bức ảnh được chụp tại núi Phú Sỹ (Nhật Bản) cũng có hiện tượng tương tự như ở đỉnh núi Bà Đen. Hiện tượng này mang tên Kasagumo, hay còn gọi là mây dạng thấu kính, lần đầu tiên được chụp lại vào năm 2005 bởi một chủ tài khoản trên nền tảng Flickr, có tên là Raymond R Carr. Sau đó, lần lượt vào các năm 2017 hay 2020, Getty Images cũng đã có những hình ảnh về hiện tượng này.
Hiện tượng này được tạo nên bởi gió và hơi nước. Khi gió kèm theo nhiều hơi nước thổi ngang qua, gặp đỉnh núi cao thì sẽ bị chặn lại. Cùng với không khí lạnh, chúng bị ngưng tụ lại và trở thành những đám mây dày đặc, bao quanh ngọn núi.