Thời gian gần đây, số vụ vi phạm lỗi không mang giấy phép lái xe xảy ra rất nhiều nhưng đa số người tham gia giao thông vẫn chưa hiểu rõ về các mức xử phạt đối với hành vi này.
Hãy cùng tìm hiểu những khung hình phạt đang áp dụng hiện này đối với lỗi không mang giấy phép lái?
Theo Luật giao thông đường bộ ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2008 (Luật giao thông đường bộ 2008), Giấy phép lái xe được phân loại dựa vào đặc điểm và công suất của động cơ cũng như tải trọng, công dụng của xe cơ giới được quy định trong Giấy phép lái xe tương ứng. Từ đó, Giấy phép lái xe sẽ được phân thành 2 loại chính là có thời hạn và vô thời hạn.

1. Giấy phép lái xe có thời hạn
Là loại giấy phép cần đổi, cấp lại sau một thời gian được quy định trong Luật giao thông. Loại giấy phép này được dùng để cấp cho những người điều khiển các loại phương tiện cơ giới có công suất động cơ, tải trọng vừa và lớn đồng thời có nhiều công dụng khác nhau. Giấy phép lái xe có thời hạn được phân thành các hạng sau.
– Giấy phép lái xe hạng A4 cấp cho những người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg.
– Giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho những người không phải làm nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải đến dưới 3.500 kg.
– Giấy phép lái xe hạng B2 cấp cho những người làm nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải đến dưới 3.500 kg.
– GIấy phép lái xe hạng C cấp cho những người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe đã được quy định trong Giấy phép lái xe hạng B1, B2.
– Giấy phép lái xe hạng D cấp cho những người làm nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người từ 10 – 30 chỗ ngồi, các loại xe đã được quy định trong Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.
– Giấy phép lái xe hạng E cấp cho những người làm nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến trên 30 chỗ ngồi, các loại xe đã được quy định trong Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D.
– Giấy phép lái xe hạng FC cấp cho những người đã có Giấy phép lái xe hạng C điều khiển các loại xe đã được quy định trong giấy phép này đồng thời có kéo thêm rơ moóc, đầu kéo sơ mi rơ moóc.
– Các loại Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho những người đã có Giấy phép lái xe hạng B2, D, E điều khiển các loại xe đã được quy định trong Giấy phép lái xe tương ứng đồng thời có kéo thêm rơ moóc hoặc xe khách có nối toa.
2. Giấy phép lái xe vô thời hạn
Là loại giấy phép được sử dụng vĩnh viễn, dùng để cấp cho những người điều khiển các phương tiện cơ giới có công suất động cơ (thường xác định theo dung tích xi – lanh), tải trọng nhỏ mà cụ thể hơn là xe mô tô, xe gắn máy hai bánh, ba bánh và các loại xe tương tự. Giấy phép lái xe vô thời hạn lại được phân thành các hạng nhỏ gồm:
– Giấy phép lái xe hạng A1 cấp cho những người điều khiển các loại xe mô tô hai bánh có dung tích xi – lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 và những người bị khuyết tật điều khiển các loại xe mô tô ba bánh được sản xuất dành riêng cho họ.
– Giấy phép lái xe hạng A2 cấp cho những người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi – lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe đã được quy định trong Giấy phép lái xe hạng A1.
– Giấy phép lái xe hạng A3 cấp cho những người điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định trong Giấy phép lái xe hạng A1 và các loại xe tương tự khác.
Những quy định về Bằng lái xe trong Luật giao thông đường bộ
Điều khiển xe cơ giới mà không có Giấy phép lái xe theo quy định là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 9, Điều 8, Luật giao thông đường bộ 2008.
Người điều khiển phương tiện cơ giới phải có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp đồng thời khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông phải có Giấy phép lái xe đúng theo quy định – Điều 58, Luật giao thông đường bộ 2008.
Không mang Giấy phép lái xe bị xử phạt như thế nào?
Mức xử phạt các hành vi vi phạm không mang theo Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông đã được quy định rõ trong Nghị định 46/2016/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ trường hợp có mang theo Giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia – Điểm c, Khoản 2, Điều 21.
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe trừ trường hợp có mang theo Giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia – Điểm a, Khoản 3, Điều 21.
– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô có Giấy phép lái xe khi tham gia gao thông nhưng Giấy phép lái xe đã hết hạn sử dụng dưới 06 tháng – Điểm c, Khoản 4, Điều 21.
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi – lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô vi phạm một trong các hành vi: Không có Giấy phép lái xe; sử dụng Giấy phép lái xe không phải do nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy phép lái xe có dấu hiệu tẩy, xoá; có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia – Khoản 5, Điều 21.
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi – lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi: Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 tháng trở lên; không có Giấy phép lái xe; sử dụng Giấy phép lái xe không phải do nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy phép lái xe có dấu hiệu bị tẩy, xoá; có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia – Khoản 7, Điều 21.