Những nhà giáo về hưu vẫn tiếp tục đem chữ cho hơn 200 trẻ mồ côi, cơ nhỡ, khó khăn ở ngôi trường THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy.
Trường Tiểu học – THCS – THPT Bồ Đề Phương Duy xuất thân từ Mái ấm tình thương Kim Chi trước đây tọa lạc ở Chùa Long Thạnh (Thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được thành lập vào năm 1990, do thầy Thích Quảng Tâm trụ trì.
Đến năm 2000, Mái ấm Kim Chi là nơi nuôi dưỡng hơn 200 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, nằm yên ắng bên cạnh khuôn viên Chùa Long Thạnh.
Trường Bồ Đề Phương Duy chính thức được thành lập năm 2012, trường có 12 lớp, chia đều từ khối lớp 1 đến lớp 12. Tất cả các em khi theo học tại trường, đều được miễn toàn bộ chi phí học tập, sách vở, đồng phục và mọi chi phí ăn ở tại trường.

Trong năm học 2022-2023, trường có 172 em trong đó 73 em học sinh tiểu học, 62 học sinh trung học cơ sở và 37 em học sinh trung học phổ thông với 15 phòng học.
Những giáo viên nơi đây đa số đã về hưu sinh sống trên địa bàn huyện Thủ Thừa, biết được sự cần thiết của một ngôi trường nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô đăng ký về trường tham gia giảng dạy không nhận lương.

Các thầy cô dù lớn tuổi với nhiều năm kinh nghiệm, không chịu an phận khi tuổi xế chiều. Họ muốn đem tất cả tâm huyết, trí lực và vật chất của mình để mang đến cho các học trò “đặc biệt”: các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ, những mảnh đời bất hạnh – những người rất muốn và rất cần không chỉ có kiến thức mà còn cả tình thương yêu.
Rời bục giảng nhà trường, nghỉ hưu theo chế độ nhưng cô Đặng Xuân Đào dạy văn lại muốn tiếp tục được đứng trên lớp để ươm mầm cho thế hệ trẻ.
Cô Đặng Xuân Đào chia sẻ: “Chúng tôi những giáo viên đến đây không phải vì tiền, mà là vì tâm huyết, muốn đem những kiến thức của mình để dạy cho các em không chỉ có kiến thức mà có kỹ năng sống, vì các em có những hạn chế không bằng các em cuộc sống bên ngoài”.
Tấm lòng thương yêu và khả năng tổ chức chặt chẽ, khoa học của các thầy cô, những người bảo trợ mà quan trọng nhất là Thượng Tọa Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh, người sáng lập và Chủ tịch hội đồng trường. Từ đó đã huy động lòng từ ái của xã hội, vun đắp xây dựng ngôi trường tư thục miễn phí với những điều kiện sinh hoạt giúp các em có điều kiện sống ổn định và học tập. Tạo nên một ngôi trường của sự kết tinh từ lòng từ tâm, tình thương yêu chia sẻ.
Tất cả các em đều sống nội trú tại trường, thiếu sự chăm sóc, giúp đỡ của gia đình nên ngay về tâm lý cũng đã thiệt thòi hơn nhiều so với các học sinh phổ thông khác. Do đó, các thầy cô rất cật lực để chăm lo từ việc lên lớp việc sinh hoạt hằng ngày của các em. Sự dạy dỗ ân cần đã giúp cho các em có môi trường tập thể đoàn kết, yêu thương nhau như gia đình lớn.

Cô Huỳnh Thị Thu Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “ Hiện tại, trường có tổng số là 60 cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong đó thì có 34 giáo viên đã nghỉ hưu rồi nhưng mà các thầy cô vẫn tiếp tục công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Khi đến đây thì các thầy cô rất là tận tụy với các em học sinh, thậm chí có các thầy cô khi đã lớn tuổi không thể đến lớp nữa nhưng mà vẫn làm một công việc rất là có ý nghĩa đó là hàng ngày đến đây may vá quần áo cho các em để cho các em có quần áo lành lặn để đi học. Còn đối với các thầy cô đứng lớp thì rất tích cực, dạy đến hết giờ mà các thầy cô vẫn ở lại để dạy thêm, rồi làm những bài mẫu để cho các em biết, học thêm… Tôi thấy tất cả thầy cô đến đây đều bằng cái tâm của mình đối với các em”.

Ngoài việc học, trường có khu nhà ở khang trang, ngăn cách giữa nam và nữ. Nhà ăn rộng thoáng mát vừa là nơi tổ chức sinh hoạt tập thể. Có sân bóng đá mini, có thư viện, những phương tiện nghe nhìn căn bản. Nhờ vậy, các em không có cảm giác tù túng, có điều kiện vui chơi, hoạt động thể thao và không bị ức chế tâm lý.
Em Nguyễn Thị Kim Thoa – học sinh lớp 12 cho biết: “Các thầy cô dạy chúng em chăm chút, từng li, từng tí và dạy từ cái nhỏ tới lớn như là hỏi thăm các em có tiếp thu được hay không, rồi lo cho em luôn cả việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Do thầy cô là những giáo viên về hưu có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống xã hội nên các thầy cô ngoài việc dạy kiến thức thì kết hợp dạy cho em về kỹ năng sống, cần tránh những tệ nạn xã hội bên ngoài để sau này em ra đời sẽ sống tốt”.
Do hoàn cảnh khó khăn ngay từ lúc mới chào đời nên khả năng nhận thức của các em không đồng đều, tâm lý không ổn định, sức tập trung học không cao. Do đó các thầy cô đã thường xuyên ôn bài, tổ chức cho các em ôn tập sau giờ học, dạy dỗ các em từ việc sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, hành động và cách tiếp xúc xã hội bên ngoài như những đứa con ruột của mình.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của người giáo viên, những cựu nhà giáo nghỉ hưu mà không nghỉ việc. Họ đã và đang góp công sức trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của địa phương.
Vì là ngôi trường nuôi trẻ mồ côi, khó khăn cơ nhỡ nên vẫn còn nhiều khó khăn để chăm lo cho các em. Mong rằng cộng đồng xã hội hãy cùng chung tay đồng hành góp sức với nhà trường, với thầy Quảng Tâm tiếp sức cho các em, những trẻ bất hạnh vượt lên số phận của mình.