Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Bộ đội đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, tỉnh Sơn La đã giúp nhiều trẻ nhỏ có cơ hội được đến trường, “ươm mầm” cho tương lai.
“Uơm mầm” cho tương lai
Đến sơn Sơn La vào những ngày này thời tiết khá se lạnh, thỉnh thoảng lại có cơn mưa rào kéo đến bất chợt, khiến cho đường vào Điểm Trường Mầm non Buốc Pát thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu trở nên lênh láng, lầy lội và khó đi hơn gấp bội.
Phải mất hàng giờ đồng hồ để vượt qua khoảng 3km đường đất, với hàng chục con dốc trơn trượt, chúng tôi có mặt tại bản Buốc Pát – nơi có những căn nhà nhấp nhô trên các sườn núi của đồng bào dân tộc H’Mông, mang đặc trưng của riêng của cao nguyên Mộc Châu.
Điểm trường mầm non Buốc Pát nằm thu gọn trên một nền đất bằng phẳng. Thỉnh thoảng tiếng nô đùa của lũ trẻ lại làm náo động cả một khoảng không gian hẻo lánh giữa vùng cao nguyên rộng lớn.
Trưởng bản Buốc Pát Mùa A Dê cho biết, hiện cả bản có 18 nóc nhà với 117 nhân khẩu đều là người dân tộc H’Mông. Cách đây khoảng bảy năm, bản chỉ có một đến ba hộ là gia đình không có người nghiện ma túy, còn lại gia đình nào cũng một đến ba người nghiện.
Tính từ đầu năm nay, bản có gần mười trường hợp nghiện ma túy, một vài trường hợp khi cai nghiện trở về vẫn bị tái nghiện trở.
Có nhiều trường hợp bố hoặc mẹ đi tù vì buôn bán ma túy, phải thụ án gần 20 năm tù. Cũng có trường hợp cả gia đình cả hai vợ chồng đều đi tù để lại những đứa con bơ vơ sống với ông bà già yếu.

Cách đó vài bước chân là căn nhà tuềnh toàng của gia đình ông Mùa A Páo (53 tuổi). Ngồi dưới mái hiên, ông Páo chốc lát lại đưa ánh mắt nhìn theo đứa cháu nội Mùa Thị Sinh (5 tuổi) đang chơi cùng chúng bạn dưới sân trường.
Ông chia sẻ, con trai ông (bố cháu Sinh) vì buôn bán trái phép chất ma túy bị phạt án tù 12 năm, đến nay đã chấp hành án được 6 năm.
Thời điểm con trai ông bị bắt, con dâu của ông cũng bỏ đi biệt tăm, để lại cho ông bà đứa cháu gái mới 5 tháng tuổi.
Cuộc sống khó khăn, hai ông bà phải làm lụng sớm hôm trên nương rẫy, nhiều khi không có tiền phải đi vay tiền để nuôi cháu. Khi cháu nội được 2 tuổi, trưởng bản Buốc Pát đã cùng với bộ đội biên phòng tới tận gia đình để động viên cho Sinh tới lớp.

Khi đó tôi nghĩ cho cháu đi học sẽ phải đóng phí, rồi cả chuyện ăn uống thì lấy đâu ra tiền, định bụng cho cháu ở nhà… nhưng cán bộ nói cứ cho cháu đi sẽ phát mỳ tôm, cơm, xôi cháo… miễn phí vào mỗi buổi sáng.
Nhìn thấy cháu lớn khôn mỗi ngày, lòng tôi rất hạnh phúc. Ma túy đã làm gia đình của tôi tan nát hết, giờ đây chỉ mong sao cho cháu Sinh được ăn học tử tế, để mai sau thành người tốt, không vướng vào những tệ nạn xã hội nữa”- ông Páo xúc động.
Gắn bó với ngôi trường vùng cao suốt nhiều năm, cô giáo Nguyễn Hương Giang cho biết, bản Buốc Pát với 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của nhân dân ở đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhiều trẻ nguy cơ không được đến trường theo đúng độ tuổi.
May mắn, hơn chục năm nay, nhờ có bộ đội biên phòng hỗ trợ ăn uống, tạo mọi điều kiện để các cháu được đến trường. Đây là nghĩa cử hết sức nhân văn, cao đẹp, thắm tình quân dân.
“Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi không ước muốn gì cho bản thân, chỉ mong sao các con ăn cơm no, có áo mặc ấm … nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía Đảng, Nhà nước và xã hội, để tương lai những đứa trẻ không còn mù mịt như bố mẹ chúng hiện tại.
Chỉ đơn giản vậy thôi là tôi đã thấy rất hạnh phúc rồi, đó cũng là món quà vô giá đối với một cô giáo vùng cao như tôi”- cô Giang tâm sự.
Thiếu úy Vàng A Chạ, Đội trưởng Đội Vận động Quần chúng, thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) chia sẻ, hiện nay bản Buốc Pát có 13 trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi, chương trình bữa sáng cho em đã được triển năm 2012.
Đều đặn mỗi sáng, các chiến sĩ của Đồn phải dậy từ khoảng 4 giờ 30 đến 5 giờ sáng để kịp chuẩn bị đồ, nấu ăn cho các cháu ở điểm trường.
“Trước kia chúng tôi nấu tại đồn rồi trực tiếp mang lên. Nhưng sau quá trình thực hiện, đường đi lại vất vả, Đồn đã giao cho tổ công tác đóng trên địa bàn bản, trực tiếp phụ trách nấu ăn cho các cháu.
“Ngoài ra, hàng tháng chúng tôi còn tổ chức phát gạo, nhu yếu phẩm cho thầy cô giáo và học sinh của trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập.
Cuộc sống của người dân và trẻ nhỏ nơi đang từng ngày thay đổi rõ rệt, chúng sẽ tiếp tục duy trì những hoạt động như trên, để nhân dân và các cháu có một tương lai tươi sáng hơn”- thiếu úy Chạ nói.
Ước mơ của những đứa con nuôi
Được Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập nhận nuôi từ năm lớp 7 (năm 2019), đến nay hai em Tráng Láo Tòng và Tráng Trị Nụ đã là học sinh lớp 10 của trường THPT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập.
Thiếu tá Phàng A Mang (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập) chia sẻ, hai học sinh này đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Đặc biệt, là em Tráng Lóng Tòng khi có bố phải nhận mức án phạt tù chung thân vì buôn bán chất ma túy trái phép, về sau do cải tạo tốt nên đã được giảm án xuống còn 20 năm tù.
Tráng Lóng Tòng tâm sự, bản thân là em út trong một gia đình có 3 chị em, bố của Tòng đi tù từ khi em mới được vài tháng tuổi, đến nay đã 15 năm trôi qua. Suốt khoảng thời gian ấy em chỉ được đến thăm bố vài ba lần.

“Em cũng không nhớ đã bao lâu rồi không được gặp bố, chỉ nhớ mỗi lần đến thăm, bố cháu dặn phải thật ngoan, cố gắng học hành chăm chỉ”- Tòng tâm sự.
Khi mới chuyển vào sống ở đồn biên phòng, cả Tòng và Nụ đều không quen môi trường nề nếp, đã có lúc cả hai đều muốn xin về nhà để được thoải mái. Nhưng ở một thời gian, hai em đã dần thích nghi trong môi trường chuyên nghiệp.
“Hàng ngày chúng em đèo nhau bằng xe đạp tới trường, tối đến được các chú bộ đội dạy bổ túc văn hóa thêm. Đối với chúng em, các chú vừa là người cha, cũng vừa là người thầy.
Mong muốn lớn nhất của chúng em là cố gắng học thật giỏi, phấn đấu sau này trở thành bộ đội chuyên nghiệp để quay trở về quê hương giúp dân bản giống như các chú hiện giờ”- Tráng Trị Nụ tâm sự.