Hơn một nửa trong số bệnh nhân bị viêm khớp phải đối mặt với sự đau nhức những khớp dai dẳng mỗi lúc thời tiết giao mùa.
Thời tiết giao mùa, trở lạnh gây đau nhức xương khớp, đặc biệt đối với những người có các vấn đề về xương khớp. Vậy vì sao khi thời tiết thay đổi, xương khớp lại đau nhức? Phải làm gì để phòng ngừa và giảm đau nhức xương khớp?
Trả lời
Hơn một nửa trong số bệnh nhân bị viêm khớp phải đối mặt với sự đau nhức các khớp dai dẳng mỗi khi thời tiết giao mùa. Khi nhiệt độ giảm khoảng 10 độ C, áp suất khí quyển thấp làm gia tăng chứng đau khớp. Dù thời tiết không phải nguyên nhân gây ra viêm khớp nhưng có thể tạm thời làm tăng cơn đau khớp.
Thời tiết lạnh khiến cơ bắp mất nhiều nhiệt và co lại gây ra sự căng cứng khắp cơ thể. Khi các khớp trở nên chặt hơn, kết hợp cơ bắp co lại làm giảm biên độ chuyển động khiến khớp đau hơn bình thường.
Không riêng bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp mới gặp tình trạng căng cơ, đau khớp vào mùa đông. Vì tác động của nhiệt độ lạnh khiến cơ bắp phải làm việc chăm chỉ hơn dẫn đến các mô cơ tổn thương, gây ra đau nhức. Việc thay đổi tư thế để giữ ấm cơ thể cũng gây sự mất cân bằng cơ. Từ đó dẫn đến mắc các bệnh lý đau cơ xương khớp cơ năng như cổ vai gáy, thắt lưng, khớp hông, khớp gối và cổ chân.

Để phòng ngừa và giảm đau nhức xương khớp, nên:
Chủ động giữ ấm cơ thể nói chung và các khớp mắc bệnh nói riêng. Mặc quần áo ấm, che kín cơ thể và hạn chế tiếp xúc với khí lạnh;
Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết.
Chườm ấm, chườm nóng 20 phút mỗi ngày giúp làm giảm các cơn đau xương khớp; Tắm nước ấm nóng từ 15-20 phút với nhiệt độ vừa phải, tránh tắm muộn và tắm quá lâu.
Giảm áp lực cho các khớp cũng sẽ giúp giảm đau hiệu quả. Không vận động mạnh, không bê vác nặng.
ThS-BS Trịnh Quang Anh (Calvin Q Trịnh) – Trưởng Chuyên khu hiệu chỉnh cơ xương khớp & y học thể thao, Bệnh viện 1A.