Mặc trang phục kín đáo, phù hợp là những điều bắt buộc khi đến những địa điểm tâm linh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều người vấp phải lỗi sai khi diện đồ đến những điểm trên.

Mới đây, một tài khoản trên mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh một cô gái mặc quần áo ngắn, hở hang đang bị người trong chùa giữ lại tại cửa chùa không cho vào. Cô gái này còn cãi và đòi vào lễ vì cho rằng đây là tự do tín ngưỡng. Hình ảnh đang được lan truyền nhanh chóng, rất nhiều người bức xúc cho rằng cô gái ăn mặc phản cảm không được cho vào chùa là đúng. Vậy có chế tài nào cho hành vi này hay không? Hãy cùng tìm hiểu các quy định liên quan vấn đề này.

image 92
Nhiều người mặc hở hang khi đến thắp hương tại các đền, chùa

Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể trách nhiệm của người tham gia lễ hội tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP như sau:

  • Người tham gia lễ hội có các quyền sau:

Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;

Thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;

Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.

  • Người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau:

Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;

Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;

Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;

Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 2 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo. Trong đó có những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể tại Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo có quy định rõ:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;

b) Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;

c) Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.