Bộ luật Hình sự là gì? Luật Hình sự là gì? Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề liên quan Luật Hình sự Việt Nam
Bộ luật hình sự là gì?
Bộ luật hình sự là đạo luật hoàn chỉnh bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt nói chung cũng như về các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt đối với tội phạm cụ thể đó. Bộ luật hình sự đầu tiên của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành năm 1985 và đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Bộ luật hình sự hiện hành là Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bộ luật hình sự có các nhiệm vụ: Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức cũng như bảo vệ trật tự pháp luật nói chung; đấu tranh chống tội phạm; giáo dục công dân ý thức tuân thủ pháp luật.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ luật hình sự quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội trên cơ sở các nguyên tắc xử lí người phạm tội sau: phát hiện kịp thời, xử lí nhanh chóng, công minh; việc xử lí phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật; trong xử lí phải kết hợp giữa nghiêm trị và khoan hồng.
Về cấu trúc, Bộ luật hình sự gồm 3 phần: Phần chung và Phần các tội phạm và Phần điều khoản thi hành. Cụ thể:
Phần chung: Quy định những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt. Trong Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017. Phần chung gồm 12 chương với 107 điều quy định: hiệu lực của Bộ luật hình sự (hiệu lực không gian và hiệu lực thời gian); thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, vấn đề tội phạm (các dấu hiệu chung của tội phạm như tuổi chịu trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự, các trường hợp có lỗi – các loại và hình thức lỗi trong luật hình SỰ…; các trường hợp phạm tội – phạm tội riêng lẻ và đồng phạm, tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành; các trường hợp không phải là phạm tội – phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết…); vấn đề hình phạt (khái niệm, mục đích và hệ thống hình phạt; các vấn đề về quyết định hình phạt; vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, vấn đề miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện – án treo…).
Phần các tội phạm: Quy định các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt đối với các tội phạm đó. Trong Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017, Phần các tội phạm gồm 14 chương với 318 điều. Đó là chương: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Các tội xâm phạm sở hữu; Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Các tội phạm về môi trường; Các tội phạm về ma túy; Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Các tội phạm về chức vụ; Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Phần điều khoản thi hành gồm 1 điều quy định về hiệu lực thi hành của bộ luật này.
Luật hình sự là gì?
Luật hình sự là ngành luật (hệ thống các quy phạm pháp luật) xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định các hình phạt có thể áp dụng đối với người phạm tội.

Là ngành luật độc lập, luật hình sự có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng.
Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là quan hệ xã hội giữa Nhà nước và người phạm tội phát sinh khi có hành vi phạm tội xảy ra. Trong quan hệ xã hội này, hai chủ thể có địa vị pháp lí khác nhau. Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Người phạm tội có nghĩa vụ chấp hành các biện pháp cưỡng chế hình sự mà Nhà nước đã áp dụng đối với họ. Mặt khác, người phạm tội cũng có quyền yêu cầu Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Đó cũng chính là nghĩa vụ của Nhà nước.
Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự là phương pháp quyền uy nhà nước. Là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật hình sự có nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, xã hội cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giáo dục, cải tạo người phạm tội cũng như giáo dục mọi công dân ý thức tuân theo pháp luật.
Các nguyên tắc chung mà ngành luật hình sự tuân thủ là nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc có lỗi, nguyên tắc phân hoá và cá thể hoá trách nhiệm hình sự…
Hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự có thể chia thành hai phần. Những quy phạm để cập những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt tạo thành phần chung của luật hình sự. Những quy phạm trong đó quy định các tội phạm cụ thể cũng như các khung hình phạt áp dụng cho những tội cụ thể đó tạo thành phần riêng (phần các tội phạm) của luật hình sự.